BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH KHI GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU
Pháp luật dân sự hiện hành quy định việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Vậy thế nào là người thứ ba ngay tình và người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi trong giao dịch dân sự được pháp luật quy định ra sao? Qua bài viết này, Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự sẽ giúp người đọc hiểu rõ quy định này.
Pháp luật dân sự không định nghĩa cụ thể thế nào người thứ ba ngay tình nhưng có thể hiểu người thứ ba ngay tình là người tại thời điểm tham gia giao dịch dân sự người này không có cơ sở để biết việc giao dịch của mình với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc đối tượng tài sản của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó đã bị vô hiệu do tại thời điểm khi tham gia vào giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình hoàn toàn tin rằng người giao dịch với mình là người có quyền giao dịch và đối tượng tài sản giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực, từ đó cho thấy người ngay tình hoàn toàn không có lỗi khi tham gia vào giao dịch. Vì vậy, pháp luật dân sự đưa ra biện pháp bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự, trong trường hợp giao dịch dân sự dẫn đến vô hiệu không do lỗi của người thứ ba.
Tại Bộ luật Dân sự 2015, người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu được bảo vệ quyền lợi như sau:
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”
Từ các quy định của pháp luật nêu trên, chúng ta có thể rút ra vấn đề là:
Nếu tài sản tham gia giao dịch dân sự mà pháp luật quy định phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người tham gia giao dịch cần phải tìm hiểu tài sản này có được đăng ký hay chưa. Nếu tài sản chưa được đăng ký theo đúng quy định thì không nên giao dịch hoặc chỉ nên tham gia giao dịch dân sự đối với tài sản đã thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản, nhằm trong trường hợp người tham gia giao dịch với đối tượng tài sản của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó đã bị vô hiệu hoặc đối với người không có quyền định đoạt tài sản vì không phải là chủ sở hữu do bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị hủy, bị sửa.
Đối với các trường hợp này, theo quy định của pháp luật người thứ ba tham gia giao dịch được xem là ngay tình và giao dịch dân sự vẫn phát sinh hiệu lực đối với người thứ ba, ngược lại nếu người tham gia giao dịch không xem xét các khía cạnh này thì sẽ không được xem là người thứ ba ngay tình và giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu, do đó người thứ ba sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền lợi khi phát sinh tranh chấp.
Vì vậy, người dân khi tham gia giao dịch dân sự cần thận trọng trong việc xác lập các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản có giá trị lớn./.
Bên cạnh đó, khi xem xét vấn đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu cần phải xem xét đến việc áp dụng đúng thời điểm mà giao dịch dân sự được xác lập để áp dụng đúng quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Bộ luật dân sự 2015 đã quy định tại điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) BLDS 2015.
Khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 quy định:
“1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11;
b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;
c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luậtDân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.
Với quy định tại khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 nêu trên, theo tác giả, tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể xử lý như sau:
(1) Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của BLDS 2015 và có tranh chấp thì phải áp dụng quy định của BLDS 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS 2005 để xác định giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình bị vô hiệu (điểm a khoản 1 Điều 688).
(2) Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà giao dịch này thỏa mãn đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015, các nội dung khác và hình thức của giao dịch cũng phù hợp với quy định của BLDS 2015 thì giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu (điểm b khoản 1 Điều 688).
(3) Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình được xác lập và thực hiện xong trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực mà có tranh chấp thì mặc dù nội dung và hình thức của giao dịch hoàn toàn phù hợp với BLDS 2015 nhưng việc giải quyết vẫn phải căn cứ vào quy định của BLDS 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS 2005. Điều đó có nghĩa là giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình sẽ bị xác định là vô hiệu (điểm c khoản 1 Điều 688).
Như vậy, quy định của BLDS 2015 đã góp phần bảo đảm tốt hơn, công bằng, hợp lý hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao lưu dân sự, vốn luôn bị yếu thế khi tham gia vào các giao dịch dân sự và góp phần bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự.
Luật sư Nha Trang
Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự