LÀM GÌ KHI NGƯỜI VAY TIỀN BỎ TRỐN?
Câu hỏi:
Chào luật sư, tôi hiện đang ở Nha Trang. Tôi có câu hỏi mong luật sư tư vấn giúp tôi.
Năm 2013, tôi có quen một người bạn tên Hoàng. Sau một thời gian quen nhau Hoàng đặt vấn đề vay tiền của tôi để kinh doanh. Tôi đã cho Hoàng vay 250.000.000 VND (Hai trăm năm mươi triệu đồng). Hoàng hứa sẽ trả tiền lại cho vào cuối năm 2014. Đến ngày 19/12/2014, tôi vẫn không thấy Hoàng đề cập đến vấn đề sẽ trả nợ cho tôi. Vì vậy, tôi đã gọi điện thọai để yêu cầu Hoàng trả tiền thì Hoàng tắt máy. Tôi đến nơi thường trú của Hoàng thì người dân ở đây nói Hoàng đã bỏ khỏi nơi cư trú hơn nửa năm nay.
Thưa luật sư, số tiền này khó khăn lắm tôi mới có được. Do đó, tôi muốn khởi kiện ra để yêu cầu Hoàng phải trả nợ nhưng lại không biết gửi đơn khởi kiện đến đâu. Vậy luật sư cho tôi hỏi: Nếu tôi khởi kiện tôi sẽ gửi đơn đến Tòa án nào vì hiện giờ tôi chỉ xác định được nơi thường trú của Hoàng mà không biết hiện Hoàng đang trốn ở đâu? Hành vi vay tiền rồi bỏ trốn của Hoàng có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Trả lời có tính chất tham khảo:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Văn phòng luật sư Vũ Như Hảo và cộng sự. Sau đây, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo Điều 474 Bộ luật dân sự khi đến hạn, người vay tiền có nghĩa vụ phải trả tiền cho bạn. Nếu hai bên có thỏa thuận tiền lãi thì ngoài tiền gốc, người vay phải trả tiền lãi. Do trong trường hợp này bạn không nêu rõ là việc bạn cho vay có văn bản nào không? Nếu khi giao, nhận tiền, hai bên có lập thành văn bản, trong đó ghi rõ mục đích của giao dịch này là “vay tiền” thì đây là giao dịch vay.
Nếu người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn… nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu tội phạm (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Trong trường hợp này, bạn cần làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay. Theo Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu cơ quan điều tra xử lý người vay bằng biện pháp hình sự thì quá trình giải quyết vụ án sẽ giải quyết đồng thời việc bồi thường cho những người bị hại do hành vi phạm tội đó gây ra.
Trường hợp xét rằng người vay tiền không có dấu hiệu phạm tội thì đây là giao dịch dân sự. Nếu người bạn cho vay không trả nợ đúng hạn bạn có quyền khởi kiện người vay ra tòa án, đề nghị xử buộc trả lại tiền (cả gốc và lãi nếu có thỏa thuận). Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền cho bạn thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại để trả cho những người bị hại.
Về nơi nợp đơn khởi kiện, Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định: “Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ”
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
…………………..
Như vậy, Tòa án nơi cư trú của người vay tiền của bạn là nơi bạn có thể gửi đơn khởi kiện. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý Điều 9 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP về yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện quy định tại Điều 169 của BLTTDS như sau: Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án.
Do đó, trong trường hợp này bạn cần phải xác định được đúng nơi cư trú của người bạn cho vay tiền để gửi đơn đúng thẩm quyền. Mặt khác, bạn cần tìm hiểu chính quyền địa phương nơi người vay tiền của bạn về việc thời gian người này vắng mặt tại địa phương. Nếu người vay đã bỏ khỏi nơi cư trú 6 tháng liền thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm vắng mặt nơi cư trú theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Sau khi tiến hành thủ tục này Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu của bạn theo quy đinh của pháp luật.
Trân trọng,
Luật sư Nha Trang
Luật sư Vũ Như Hảo
www.LuatSuNhaTrang.vn
Skype: vu.nhu.hao
Yahoo Messenger: hao_vunhu@yahoo.com
E-mail: LawyerVuNhuHao@Gmail.com
Facebook:https://www.facebook.com/LuatsuNhaTrang
Cellphone: 0914 086292