Hồ sơ, thủ tục khai sinh cho con sau khi bố mẹ ly hôn
Hỏi: Kính chào Luật sư, tôi có vướng mắc như sau: Tôi với chồng tôi đã ly hôn mà dự kiến 2 tháng nữa là tôi sẽ sinh con, con là con chung. Giờ tôi muốn Luật sư tư vấn giúp tôi nếu khi sinh con ra thì đăng ký khai sinh phần cha đứa bé tôi để tên chồng cũ của mình có dễ dàng không vì theo như tôi biết khi khai sinh muốn nhận cha, mẹ phải có giấy đăng ký kết hôn. Vậy cho hỏi trường hợp khai sinh cho con khi bố mẹ ly hôn chúng tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì, rất mong sớm được Luật sư giải đáp.
Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:
1.Khai sinh cho con khi bố mẹ ly hôn
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, căn cứ vào thời điểm con sinh ra sẽ xảy ra hai trường hợp đăng ký khai sinh cho con khi bố mẹ ly hôn như sau:
Trường hợp 1: Con sinh ra trong thời điểm 300 ngày kể từ ngày hôn nhân chấm dứt
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 con trong trường hợp này sẽ là con chung của vợ, chồng. Khi đó muốn tiến hành đăng ký khai sinh cho con sẽ diễn ra như đăng ký khai sinh trong trường hợp cha mẹ vẫn còn quan hệ hôn nhân. Khi đó trình tự, thủ tục sẽ diễn ra theo quy định của Điều 16 Luật hộ tịch 2014 sẽ gồm các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký khai sinh cho con khi bố mẹ ly hôn phải có các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu (mẫu giấy tờ này khi ra cơ quan đăng ký sẽ được cung cấp);
– Bản chính giấy chứng sinh của cơ sở y tế nới cháu bé ra đời;
– Văn bản ủy quyền nếu trường hợp bố mẹ không thể trực tiếp đi đăng ký;
– Quyết định của Tòa về việc cho hai bên chấm dứt ly hôn – đây chính là căn cứ xác nhận đứa bé có được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ khi hôn nhân chấm dứt hay không.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tại UBND xã/phường nơi thường trú của cháu bé
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra giấy tờ, thông tin trong hồ sơ nếu đầy đủ, hợp lệ sẽ trả giấy tiếp nhận và hẹn ngày trả hồ sơ. Nếu không thì phải trả giấy từ chối tiếp nhận nêu rõ lý do và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Cán bộ hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào sổ hộ tịch, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu điện tử trình lên Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường để cấp giấy khai sinh.
Trường hợp 2: Con sinh ra trong thời điểm quá 300 ngày kể ngày hôn nhân chấm dứt sẽ không được coi là con chung của vợ chồng và khi đó khi tiến hành đăng ký khai sinh cho con khi bố mẹ ly hôn phải tiến hành thủ tục nhận cha cho con.
2.Thủ tục nhận cha, mẹ, con
Bước 1: Theo quy định tại Điều 44, Luật hộ tịch 2014 cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Tờ khai theo mẫu quy định (Mẫu giấy tờ này ở cơ quan đăng ký hộ tịch);
– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con:
Theo quy định Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Bước 2: Theo Điều 25 Luật hộ tịch 2014:
– Nộp đủ hồ sơ tại UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con;
– Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch. Thời gian giải quyết không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ;
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.