Thủ tục người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam
Câu hỏi:
Xin chào Luật sư Hảo,
Cho mình hỏi người Hàn Quốc hiện giờ đã được mua căn hộ Mường Thanh ở Nha Trang chưa? thủ tục thế nào? Có mấy người bạn muốn mua 10 căn ở Mường Thanh, mà mình nghĩ luật Việt Nam hiện chưa cho phép? Anh vui lòng tư vấn giúp mình nhé.
Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 159 và Điều 160 Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải thuộc một trong số những đối tượng được sở hữu nhà, theo một số hình thức nhất định và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định.
1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức:
a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
3. Điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
a) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
b) Đối với tổ chức nước ngoài có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
c) Đối với cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
d) Chính phủ quy định chi tiết giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
4. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với trường hợp mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (bao gồm mua căn hộ trong tương lai và mua căn hộ có sẵn):
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bằng tiếng Việt và Tiếng Anh theo mẫu quy định.
– Giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở của bên bán, bao gồm:
+ Quyết định phê duyệt dự án phát triển nhà ở thương mại của cơ quan có thẩm quyền.
+ Hợp đồng thuê đất hoặc quyết định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp.
+ Bản vẽ sơ đồ mặt bằng căn hộ mua bán.
+ Biên bản bàn giao căn hộ kèm theo bản quy định về quản lý sử dụng chung cư do doanh nghiệp bán nhà ban hành (áp dụng đối với trường hợp mua căn hộ có sẵn).
– Bản chính Hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Bản sao có chứng thực hộ chiếu nước ngoài và một trong các giấy tờ theo quy định pháp luật.
– Giấy tờ xác nhận của sàn giao dịch bất động sản về căn hộ đã được giao dịch qua sàn theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nếu mua căn hộ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
– Biên lai nộp thuế, lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Dựa trên những tư vấn trên đây, anh có thể liên hệ đến một Văn phòng Luật sư tại Nha Trang để được hỗ trợ các thủ tục pháp lý.