Vợ mất, chồng có viết di chúc để định đoạt toàn bộ tài sản chung không?

Câu hỏi: 

Cha mẹ tôi có tạo lập được một khối tài sản chung là 2 căn nhà tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và một số tiền tiết kiệm gửi ở Ngân hàng. Mẹ tôi đã qua đời năm 2015 nhưng không để lại di chúc. Nay ba tôi cũng đã nhiều tuổi và thường xuyên đau ốm, các anh chị em của tôi đều ở nước ngoài nên ba tôi đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản trên cho tôi. Vậy di chúc của ba tôi với nội dung như vậy có hợp pháp không?

Trả lời:

Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo khoản 1, Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015, di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Về nội dung, theo khoản 1, Điều 631 BLDS 2015, di chúc phải gồm những nội dung chủ yếu sau:

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên nơi cư trú của người lập di chúc;

– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản.

Đối với trường hợp anh hỏi, anh cần chú ý đến di sản để lại trong di chúc do ba anh lập. Điều 612 BLDS 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Như vậy, tài sản thuộc quyền sở hữu chung của ba mẹ anh nên khi lập di chúc, ba anh chỉ có quyền định đoạt đối với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng. Trên cơ sở quy định này của pháp luật, nếu di chúc của ba anh chỉ định đoạt phần tài sản thuộc sở hữu của mình thì di chúc này được coi là di chúc hợp pháp. Nhưng nếu di chúc của ba anh định đoạt cả phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ anh thì phần di chúc đó sẽ không hợp pháp.

Trong trường hợp, di chúc của ba anh định đoạt cả phần tài sản của mẹ anh và các anh chị em của anh ở nước ngoài cũng đồng thuận ý để cho anh toàn bộ khối tài sản này (tức là họ từ chối nhận tài sản thừa kế của mẹ anh và nhường lại cho anh) thì gia đình anh nên làm thủ tục chia thừa kế phần tái sản của mẹ anh. Theo đó, các anh chị em của anh lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của mẹ anh (văn bản này cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại) và gửi về Việt Nam. Đồng thời ba anh cũng nên lập lại di chúc cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư Nha Trang

Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự