Cần làm gì khi bản án sơ thẩm có hiệu lực nhưng bị đơn vẫn không trả tiền
Hỏi: Chào Luật sư, tôi có thắc mắc cần được giải đáp như sau: Ngày 15/07/2022 Tòa án nhân dân thành phố ABC (tôi xin được giấu tên thành phố) có giải quyết một vụ việc “ Tranh chấp hợp đồng vay tiền” với bà Bích. Và Tòa án nhân dân thành phố ABC đã ra bản án yêu cầu bà Bích phải trả tiền cho tôi. Nhưng từ đó đến nay cũng đã 7 tháng trôi qua, bà Bích vẫn không trả tiền dù cho tôi dù tôi đã thúc giục nhiều lần. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, tôi phải làm gì để buộc bà Bích phải trả tiền cho tôi ?
Tôi xin cảm ơn!
Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự 2018:
“ Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.”
Như quy định trên về thời hiện thi hành án thì Bà Bích đã có quyết định thi hành án nhưng lại không thực hiện việc thi hành án theo quyết định thì sẽ có hai trường hợp:
Trường hợp 1, Bà Bích không có đủ khả năng trả nợ tức là không có tài sản hoặc không còn tài sản thi hành án:
Trong trường hợp này, để xác định chính xác và cụ thể nhất thì căn cứ tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự 2018:
“ Điều 44. Xác minh điều kiện thi hành án
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
…
4. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:
…
b) Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó”
Theo quy định trên thì chấp hành viên được giao nhiệm vụ thi hành quyết định thi hành án dân sự theo yêu cầu sẽ thực hiện công việc xác minh điều kiện thi hành án. Họ sẽ thực hiện việc xác minh về tài sản, thu nhập và các vấn đề khác của người phải thi hành án ít nhất là 06 tháng một lần, nếu như trong trường hợp bên bà Bích không tự nguyện trả tiền cho ban trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bà Bích nhận được quyết định thi hành án của bên cơ quan thi hành án dân sự. Nếu như bạn thấy rằng chấp hành viên chưa thực hiện xác minh điều kiện thi hành án thì bạn có thể liên hệ đề nghị họ thực hiện công việc. Khi mà bà Bích không còn bất kỳ loại thu nhập, tài sản nào thì cần phải đợi đến khi có các thông tin mới về tài sản, thu nhập của bà ấy để tiếp tục yêu cầu họ phải trả nợ, và thanh toán cho bạn.
Trường hợp 2, bà Bích có khả năng trả tiền nhưng cố tình tìm cách trốn tránh trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2018:
“ Điều 31. Tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án
1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
`a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
3. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
4. Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.”
Như vậy, bạn phải nộp đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền tức là cơ quan thi hành án (chi cục thi hành án của thành phố ABC nơi Tòa án nhân dân cấp thành phố đã tuyên án) để ra quyết định thi hành án và bên phía cơ quan thi hành án sẽ xác minh điều kiện thi hành án của bà Bích và cưỡng chế thi thi hành án theo quy định tại Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2018:
“ Điều 46. Cưỡng chế thi hành án
1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.”
Theo quy định tại mục 3 Luật Thi hành án dân sự 2018 thì cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền như sau:
– Khấu trừ tiền vào tài khoản.
– Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
– Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án.
– Thu tiền của người phải thi hành án đang giữ.
– Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ.
Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực, bạn phải yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Căn cứ pháp lý: Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2018