Di chúc viết tay năm 2006 không công chứng, chứng thực có hiệu lực pháp luật hay không?
Hỏi: Trước đây vào năm 2006, bà ngoại tôi có lập di chúc viết tay để lại cho mẹ tôi (tức con của ngoại tôi) căn nhà vì bà đã già không nắm rõ luật nên không có công chứng, chứng thực. Bà tôi mất năm 2019 và hiện nay mẹ tôi muốn nhận di sản mà bà ngoại tôi để lại. Cho tôi hỏi di chúc của bà ngoại tôi không công chứng, chứng thực thì có giá trị pháp luật hay không?
Tôi xin cảm ơn!
Đáp: Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự xin giải đáp như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ Luật Dân sự 2005
2. Hiệu lực của di chúc viết tay không đi công chứng, chứng thực
Căn cứ theo Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Di chúc bằng văn bản như sau:
“Điều 650. Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.”
Ngoài ra, Điều 657 Bộ Luật Dân sự 2005 cũng có quy định về việc Di chúc có công chứng hoặc chứng thực như sau:
“Điều 657. Di chúc có công chứng hoặc chứng thực
Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.”
Đối với di chúc lập thành văn bản, có thể công chứng, chứng thực hoặc không công chứng, chứng thực. Tuy nhiên đối với di chúc bằng văn bản không công chứng, chứng thực mà muốn có hiệu lực thì cần một số điều kiện được quy định tại Điều 652, Điều 653 Và Điều 655 Bộ Luật Dân sự 2005, cụ thể như sau:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
– Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
– Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.
– Di chúc phải ghi rõ:
+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;
+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
+ Di sản để lại và nơi có di sản;
+ Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, bà ngoại bạn có thể lập di chúc mà không cần có người làm chứng hoặc đi công chứng chứng thực. Nếu bản di chúc mà bà ngoại bạn đã lập đã đáp ứng được những điều kiện cụ thể như trên, bản di chúc đó đã có giá trị pháp lý. Và sau khi bà mất thì di sản của bà sẽ được phân chia như theo ý nguyện của bà trong di chúc.
Chỉ trong trường hợp di chúc viết tay của bà ngoại bạn không có hiệu lực pháp luật do vi phạm một hoặc một số trong các điều kiện trên, thì di chúc sẽ vô hiệu và di sản của bà sẽ được chia thừa kế theo các quy định của pháp luật dân sự căn cứ theo Điều 676 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo quy định trên, thì tài sản của bà ngoại bạn sẽ được chia đều cho các cá nhân thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với trường hợp di chúc không có hiệu lực pháp lý, trong đó có mẹ của bạn nếu như mẹ bạn không thuộc diện cá nhân không được quyền nhận di sản, từ chối nhận di sản.