Khi ký và công chứng HĐ chuyển nhượng QSDĐ, QSHNƠ có nên giao hết?

Trong thực tế mua bán nhà đất, rất nhiều người đồng ý giao hết tiền mua đất cho bên bán khi hợp đồng được công chứng. Lý do để bên mua giao hết tiền cho bên bán thường có hai lý do: Một là vì tin tưởng, hai là vì cho rằng khi hợp đồng đã được công chứng là quyền sở hữu nhà đất đã được chuyển giao cho bên mua.

Vậy, giao hết tiền mua đất khi công chứng liệu có rủi ro? Để trả lời được câu hỏi này, trước hết chúng ta phải hiểu: Khi nào việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực?

Chúng ta biết rằng Hợp đồng công chứng có giá trị rất quan trọng trong giao dịch mua bán nhà đất. Cụ thể, theo Điều 5 Luật Công chứng, hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”.

Như vậy, dù hợp đồng công chứng mang ý nghĩa lớn, có thể gần như đảm bảo chắc chắn việc mua bán đã hoàn thành nhưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại chỉ có hiệu lực khi được đăng ký vào sổ địa chính theo đúng quy định. Nghĩa là việc chuyển quyền sử dụng đất chỉ hoàn tất và có hiệu lực khi được đăng ký vào sổ địa chính.

Vậy, giao hết tiền mua đất khi công chứng liệu có rủi ro?

Như đã phân tích ở trên, hợp đồng công chứng có giá trị thi hành với các bên liên quan. Khi 02 bên đã ký hợp đồng mua bán đất, bên bán có nghĩa vụ chuyển giao đất cho bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đủ diện tích, đúng vị trí và tình trạng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng; sang tên Sổ đỏ cho bên mua trừ khi có thỏa thuận khác; thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nghĩa là khi đã công chứng hợp đồng mua bán mà bên bán “lật kèo” thì bên mua có thể dựa vào hợp đồng này để khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi bên mua đã thanh toán hết tiền mua đất lại bị bên bán làm khó, chẳng hạn:

– Không chịu đóng thuế thu nhập cá nhân: Khi bán đất, bên bán sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân, bên mua sẽ đóng lệ phí trước bạ. Muốn đăng ký sang tên, phải có đầy đủ biên lai đóng thuế. Nếu bên bán không đóng thuế thì bên mua không đủ hồ sơ để làm Sổ đỏ. 

– Không hỗ trợ khi có tranh chấp với hàng xóm khiến không sang tên Sổ đỏ được: Một trong những điều kiện để sang tên Sổ đổ là  Đất không có tranh chấp. Vì thế, khi làm Sổ mà phát hiện đất có tranh chấp, bên mua cũng không thể thực hiện được thủ tục này.

– Không hỗ trợ khi diện tích thực tế ít hơn trên Sổ.

Như vậy, có nhiều rủi ro khi giao hết tiền mua đất khi công chứng. Bên mua nên giữ lại khoảng 10 – 30 % giá trị hợp đồng để đảm bảo các vấn đề phát sinh về sau.

Tuy nhiên, thông thường rất khó để người bán đồng ý điều kiện này. Vì thế, hai bên có thể thỏa thuận với nhau giữ lại một phần tiền để hạn chế rủi ro.

Để tìm hiểu thêm các nội dung tư vấn khác về pháp luật đất đai, nhà ở. Bạn đọc có thể xem TẠI ĐÂY. hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý của Công ty chúng tôi – Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự.

Luật sư Nha Trang

Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự