Kinh doanh dịch vụ chăm sóc mẹ và bé theo quy định mới
Muốn kinh doanh dịch vụ chăm sóc mẹ và bé thì có phải đăng ký kinh doanh không? Phải đáp ứng những điều kiện gì theo quy định mới của pháp luật?
Thứ nhất, muốn kinh doanh dịch vụ chăm sóc mẹ và bé thì phải đăng ký kinh doanh. Vì dịch vụ chăm sóc mẹ và bé thì thuộc một trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Mà theo quy định của pháp luật thì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải đáp ứng những điều kiện nhất định do Chính phủ và Bộ Y tế quy định do vậy phải thực hiện đăng ký kinh doanh mà không thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cụ thể:
“2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”
Thứ hai, theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP, tại Điều 22 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP về hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh:
“7. Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm:
………
b) Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà;
….”
Căn cứ theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 chính thức có hiệu lực đã bãi bỏ quy định tại Điều 34 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, và bổ sung Điều 33a về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ y tế, theo đó cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều này như sau:
– Cơ sở vật chất: Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);
– Thiết bị y tế: Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;
– Nhân sự:
+ Đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật: Các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cung cấp các dịch vụ như thay băng, cắt chỉ; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; chăm sóc mẹ và bé; lấy máu xét nghiệm, trả kết quả; chăm sóc người bệnh ung thư và các dịch vụ điều dưỡng khác tại nhà, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng”.
+ Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;
+ Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.
Như vậy, khi bạn muốn mở cơ sở thực hiện dịch vụ chăm sóc mẹ và bé bạn phải thực hiện đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và cần đáp ứng những điều kiện đối với cơ sở dịch vụ y tế theo quy định trên.