Một số câu hỏi về sở hữu nhà đất ở Việt Nam của Người Việt Nam ở Nước Ngoài

Câu hỏi:

Chào Luât Sư Hảo,

Tôi là Việt kiều đang ở Mỹ có quê quán ở Nha Trang muốn nhờ luật sư tư vấn những thắc mắc sau đây:
1) Tôi đang có quốc tịch Mỹ nhưng có giấy của tòa lảnh sự Việt Nam tại Mỹ chứng nhận là người có nguồn gốc Việt Nam. Như vậy tôi có thể đứng tên giấy tờ nhà đất ở Viêt Nam không? Tôi có miếng đất ở Nha Trang do mẹ chia tài sản cho. Hiện tại mẹ đang đứng tên. Nay mẹ củng lớn tuổi rồi. Tôi muốn chuyển qua tên của tôi và sau này bán nếu cần. Như vậy có được không?
2) Hiện tại tôi đang độc thân. Tôi có dự định lập gia đình với một người phụ nữ Viêt Nam. Nếu lở sau này có phải ly dị thì tài sản của tôi trước khi lập gia đình có phải chia cho vợ không? Những tài sản của tôi nhưng chuyễn tên qua cho tôi sau khi cưới, thí dụ như miếng đất của mẹ cho nêu trên thì có phải chia cho vợ không?
3) Tôi có 2 con riêng đả trưởng thành với người vợ trước. Nếu tôi lập gia đình với người phụ nữ ở Viêt Nam. Và có dự định sẻ ở Việt Nam nhiều hơn là ở Mỹ. Nếu tôi chết đi thì tài sản của tôi sẽ chia ra sao theo luật Viêt Nam?
4) Nếu tôi có tiền trong trương mục ở ngân hàng Việt Nam. Nếu tôi mất đi thì tiền trong trương mục đó sẽ thuộc về ai?
5) Tôi nghe nói Việt kiều hồi hương có thể đem một chiếc xe hơi về dùng miễn đóng thuế. Không biết quy chế này còn không hay đã thay đổi rồi? Nếu thay đổi thì thay đổi như thế nào?

Cám ơn luật sư nhiều. Nếu tôi có nhu cầu về pháp luật ở Viêt Nam chắc chắn tôi sẻ liên lạc với văn phòng của luật sư.

NB

Trả lời:
Chúng tôi trả lời các câu hỏi của anh như sau:

1) Tôi đang có quốc tịch Mỹ nhưng có giấy của Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ chứng nhận là người có nguồn gốc Việt Nam. Như vậy tôi có thể đứng tên giấy tờ nhà đất ở Viêt Nam không? Tôi có miếng đất ở Nha Trang do mẹ chia tài sản cho. Hiện tại mẹ đang đứng tên. Nay mẹ cũng lớn tuổi rồi. Tôi muốn chuyển qua tên của tôi và sau này bán nếu cần. Như vậy có được không?

– Vì anh hiện tại đang mang quốc tịch Mỹ và được chứng nhận có nguồn gốc Việt Nam nên anh thuộc trường hợp “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài”:

“3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.” (Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008)

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì sẽ được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất đó.

“1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.” (Điểm đ Khoản 1 Điều 161 Luật đất đai 2013)

Như vậy, hiện nay chưa có quy định nào của pháp luật cho phép người nước ngoài/người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đứng tên quyền sử dụng đất. Họ chỉ được đứng tên sở hữu nhà ở. Cho nên, điều kiện cần thiết là trên đất phải có nhà ở, anh có thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất đã có nhà.

– Nếu trường hợp anh vẫn còn giấy khai sinh của Việt Nam thể hiện thông tin mang quốc tịch Việt Nam thì anh có thể về Việt Nam cam kết cư trú lâu dài để nhập khẩu, làm chứng minh nhân dân và tiến hành nhận tài sản như một công dân Việt Nam bình thường.

2) Hiện tại tôi đang độc thân. Tôi có dự định lập gia đình với một người phụ nữ Việt Nam. Nếu lỡ sau này có phải ly hôn thì tài sản của tôi trước khi lập gia đình có phải chia cho vợ không? Những tài sản của tôi nhưng sang tên cho tôi sau khi cưới, ví dụ thửa đất của mẹ cho nêu trên thì có phải chia cho vợ không?

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”(Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

“4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.” (Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Như vậy, đối với tài sản riêng của anh hình thành trước thời kỳ hôn nhân, khi chưa nhập vào tài sản chung của vợ chồng thì vẫn sẽ là tài sản riêng của anh. Trường hợp anh được nhận đất do mẹ cho riêng nêu trên, đây là tài sản được tặng cho riêng nên không phụ thuộc vào thời điểm sang tên vẫn sẽ là tài sản riêng của anh, dựa trên Hợp đồng tặng cho.

3) Tôi có 2 con riêng đã trưởng thành với người vợ trước. Nếu tôi lập gia đình với người phụ nữ ở Việt Nam. Và có dự định sẽ ở Việt Nam nhiều hơn là ở Mỹ. Nếu tôi chết đi thì tài sản của tôi sẽ chia ra sao theo luật Viêt Nam?

– Đối với trường hợp anh để lại di chúc thì di sản thừa kế mà anh để lại sẽ được phân chia theo di chúc.

– Đối với trường hợp anh không để lại di chúc thì di sản thừa kế mà anh để lại sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;” (Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015)

Như vậy, những người con ruột của anh với vợ trước mặc dù ở nước ngoài nhưng khi anh chết vẫn được đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là anh nên để lại di chúc cho các con hoặc những người mà anh muốn để lại tài sản.

4) Nếu tôi có tiền trong trương mục ở ngân hàng Việt Nam. Nếu tôi mất đi thì tiền trong trương mục đó sẽ thuộc về ai?

“Trương mục” là danh từ ít được dùng tại Việt Nam, nhưng có thể hiểu là tài khoản giữ tiền ở ngân hàng. Khi ông qua đời thì tiền gửi này cũng chính là di sản thừa kế. Do đó, tiền gửi tại trương mục sẽ được chia cho những người thừa kế bằng cách chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật (trường hợp không có di chúc).

Những người thừa kế cần được biết đến thông tài khoản này (số tài khoản, chủ sở hữu tài khoản, ngân hàng có tài khoản…) của ông để sau khi ông chết họ có thể làm thủ tục mở thừa kế và khai nhận di sản.

Thủ tục kê khai di sản thừa kế được thực hiện tại phòng công chứng địa phương, các giấy tờ cần xuất trình:

– Chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu), Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế.

– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.

– Sơ yếu lý lịch của người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền).

– Giấy tờ về di sản thừa kế như: sổ tiết kiệm, sổ trương mục, giấy chứng nhận quyền sử dụng…

– Giấy uỷ quyền, giấy nhường di sản thừa kế, giấy từ chối di sản thừa kế (nếu có).

5) Tôi nghe nói Việt kiều hồi hương có thể đem một chiếc xe hơi về dùng miễn đóng thuế. Không biết quy chế này còn không hay đã thay đổi rồi? Nếu thay đổi thì thay đổi như thế nào?

Theo quy định hiện nay, Việt kiều hồi hương chỉ được nhập khẩu một ôtô về nước để sử dụng theo diện tài sản di chuyển và chỉ được miễn thuế nhập nhẩu. Các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… vẫn phải nộp.

Đối tượng áp dụng: công dân đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam (Điều 7 Thông tư 20/2014/TT-BTC)

Điều kiện nhập khẩu đối với xe ôtô theo chế độ tài sản di chuyển: (Điều 3 Thông tư 20/2014/TT-BTC):

“1.  Xe ô tô nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện:  Đã đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) ít nhất 6 tháng và đã chạy quãng đường tối thiểu 10.000 km đến thời điểm ôtô về cảng Việt Nam.

–  Xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và Thông tư 31/2011/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.”

Sau khi đủ các điều kiện nói trên, chính sách thuế được áp dụng đối với xe ôtô được mang về Việt Nam như sau:

– Thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu theo khoản 2 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016 và Điều 7 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

– Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; trừ trường hợp xe cứu thương, ôtô chở phạm nhân, ôtô tang lễ, ôtô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên.

– Thuế giá trị gia tăng: Xe ôtô nhập khẩu theo diện tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hồi hương không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, theo Điều 5 Luật Thuế giá trị giá tăng (thuế suất 10%).

Trân trọng,