Trường hợp nào cha mẹ không được sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ cho con?

Theo truyền thống việc cha mẹ có quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho con (sang tên Sổ đỏ cho con) là việc hết sức bình thường. Tuy nhiên, pháp luật đất đai, nhà ở tại Việt Nam có nhiều đặc thù dẫn tới không phải mọi trường hợp cha mẹ đều có thể “sang tên” quyền sử dụng đất cho con cái. Có ít nhất 03 trường hợp sau cha mẹ không thể sang tên sổ đỏ/sổ hồng cho con:

1. Trường hợp 1: Khi cha mẹ không đủ điều kiện “sang tên”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, nếu thiếu một trong các điều kiện trên thì cha mẹ không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho con.

2. Trường hợp 2: Cha mẹ muốn sang tên đất trồng lúa nhưng con không trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Căn cứ Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013:“Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa” thìtrường hợp con không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa từ người khác, kể cả cha mẹ.

Căn cứ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, khi đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận hộ gia đình, cá nhân có trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không.

Như vậy, chỉ khi người con không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên, đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội thì mới được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa từ cha mẹ.

3. Trường hợp 3: Trường hợp cha mẹ có quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng người con không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

    • Ghi chú: Bạn đọc lưu ý là các trường hợp 2 và 3 nêu trên chỉ áp dụng khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, không áp dụng đối với trường hợp nhận thừa kế. Nói cách khác, con vẫn được nhận thừa kế từ cha mẹ nếu thuộc trường hợp 2 và 3.

Luật sư Nha Trang
Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự