Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Tình huống từ thực tế từ một số vụ án ở Nha Trang Khánh Hòa mà Luật sư Vũ Như Hảo tham gia:
“Anh A trước khi mất đã lập di chúc để lại một căn nhà cho vợ mình là bà B. Ngôi nhà này do mẹ đẻ anh là bà C tặng cho anh từ năm 2016, sau khi cho bà C vẫn sống chung với vợ chồng anh A tại ngôi nhà này. Nay, bà B vợ anh A muốn chia kế và không muốn sống chung cùng bà C mẹ anh A, Bà C hiện không còn nơi nào khác để ở.
Trong trường hợp này bà C còn được sống ở ngôi nhà đó nữa không khi bà B thực hiện di chúc?”
Giải quyết tình huống:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm người để lại di sản chết. Trong trường hợp này, mặc dù căn nhà ban đầu thuộc quyền sở hữu của mẹ anh A, nhưng năm 2016, bà đã làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho anh A. Do đó, tài sản này thuộc quyền sở hữu riêng của anh A. Bà B – vợ anh A có quyền nhận di sản thừa kế là nhà đất trên theo nội dung bản di chúc mà anh A để lại.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp việc chia di sản thừa kế theo di chúc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người còn sống, chủ yếu là những người không được hưởng di sản theo di chúc. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này xảy ra và ngăn chặn tình trạng những người được nhận di sản thừa kế trốn tránh nghĩa vụ đối với những người mà người nhận di sản thừa kế phải có nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng thì pháp luật cũng quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Họ là những người thừa kế ngày cả trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 644 BLDS 2015, những người này bao gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động.
Bà C – mẹ anh A sẽ không được nhận di sản thừa kế trong trường hợp mẹ anh A từ chối nhận di sản theo Điều 620 BLDS 2015 hoặc thuộc một trong các trường hợp không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 BLDS 2015. Như vậy, nếu bà C không từ chối nhận di sản và cũng không thuộc trường hợp không được nhận di sản thừa kế thì bà có quyền được nhận một phần trong toàn bộ khối tài sản thừa kế mà anh A để lại. Theo đó, phần di sản của bà C được nhận sẽ bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật (khoản 1 Điều 644 BLDS 2015). Vì vậy, trong trường hợp căn nhà trên chưa được bán thì bà C vẫn được sống ở đó. Nhưng nếu căn nhà đã được bán thì bà C sẽ được nhận giá trị của 2/3 suất mọt người thừa kế theo pháp luật.
Luật sư Nha Trang
Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự