TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CƠ QUAN NÀO GIẢI QUYẾT?
(Luật sư Nha Trang): Bà B cáo buộc nhà hàng xóm là bà M lấn chiếm khoảng 30 m2 đất của mình, Bà B đã nhiều lần yêu cầu bà M trả đất nhưng bà M cho rằng không lấn chiếm nên không đồng ý trả. Không giải quyết được bằng thương lượng, tháng 3-2015, bà B đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND thành phố Nha Trang buộc bà M dỡ toàn bộ hàng rào trên phần đất tranh chấp để trả lại đất cho bà B. Ngoài ra, bà B còn yêu cầu bà M phải bồi thường 20 triệu đồng vì đã chặt cây trên phần đất tranh chấp.
Sau khi xem xét, TAND thành phố Nha Trang cho rằng đây là tranh chấp quyền sử dụng đất giữa những người sử dụng đất. Do đó, theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, tranh chấp này phải được hòa giải ở UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi bà B nộp đơn khởi kiện ra tòa. Trong trường hợp này hai đương sự chưa thực hiện thủ tục hòa giải ở UBND xã nên vụ án chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ luật TTDS. Vì lý do trên, TAND thành phố Nha Trang đã ra thông báo trả lại đơn khởi kiện cho bà B.
Bà B khiếu nại nhưng chánh án TAND thành phố Nha Trang đã ra quyết định bác đơn, giữ nguyên quyết định trả lại đơn kiện.
Bà B tiếp tục khiếu nại lên chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu hủy quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện của chánh án TAND thành phố Nha Trang.
Xung quanh vấn đề này, có một số ý kiến cho rằng Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa cần chấp nhận khiếu nại của bà B vì đây chỉ là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012 thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Pháp Luật quy định như thế nào?
Theo điểm c khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất?
Trong khi đó, theo điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất là tranh chấp như về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất…
Với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất, phải tiến hành hòa giải ở UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi đương sự nộp đơn khởi kiện ra tòa (điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012). Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thì không phải tiến hành thủ tục này (điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012).
Trở lại vụ việc trên, luật sư Vũ Như Hảo (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) nhận xét: Đúng ra các tòa phải xác minh kỹ hơn trước khi ra quyết định. Bởi lẽ từ vụ việc của bà B sẽ có hai tình huống được đặt ra: Nếu bà B đã có căn cứ chứng minh hơn 30 m2 đất bị lấn chiếm thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình (đất đã được cấp giấy đỏ, có các giấy tờ khác theo quy định hoặc vợ chồng bà M thừa nhận…) và chỉ yêu cầu tòa buộc vợ chồng bà M tháo dỡ hàng rào trên phần đất tranh chấp, bồi thường cây đã bị chặt phá thì thuộc trường hợp tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện.
Tuy nhiên, nếu phần đất này chưa có căn cứ xác định ai là người được quyền sử dụng hợp pháp và nay nhờ tòa xác định thì về bản chất, vụ việc này thuộc trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất. Lúc này, các bên phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã trước khi tòa án giải quyết vụ án. Cá nhân Luật sư Vũ Như Hảo nghiêng về quan điểm của TAND thành phố Nha Trang bởi nếu bà B chỉ dừng lại ở việc yêu cầu bà M tháo dỡ hàng rào, bồi thường thiệt hại do có hành vi chặt cây của bà B đã trồng trên đất thì đó chỉ là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ở đây bà B còn cho rằng bà M đã lấn chiếm phần đất này của bà và yêu cầu tòa buộc họ trả lại. Như vậy, muốn giải quyết các yêu cầu khởi kiện của bà B một cách có căn cứ, hợp pháp thì bắt buộc trước hết tòa phải xác định ai có quyền sử dụng phần đất?
Trong trường hợp cụ thể này, tranh chấp của bà B về cơ bản là tranh chấp về quyền sử dụng đất như đã phân tích ở trên nên bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải tại UBND xã trước khi khởi kiện ra tòa.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Vũ Như Hảo thì đối với những loại việc như trên bà B có quyền yêu cầu chủ tịch UBND xã hoặc UBND thành phố để xử phạt hành chính (tùy theo loại đất bị lấn chiếm, nếu đất bị lấn chiếm là đất ở thì thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố) theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013, nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà B được cấp đã thể hiện rõ vị trí và diện tích sử dụng, nếu người lấn đất bà B không tự nguyện tháo dỡ để thi hành thì người đã ra Quyết định hành chính có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính. Chỉ đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bà M có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.