Di chúc do người làm chứng viết và vấn đề giám định chữ ký
Câu hỏi:
Vừa qua tôi có đọc bài viết của Luật sư về “lập di chúc trong trường hợp không đến được phòng công chứng“. Bài viết này có nội dung liên quan đến trường hợp của gia đình tôi nên tôi viết e-mail này nhờ luật sư tư vấn giúp. Mẹ tôi có nhà đất tại Cam Lâm, Khánh Hòa. Mẹ tôi có hai con gồm tôi (con gái lớn) và em trai tôi. Năm 2016, mẹ tôi làm di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho em trai tôi. Di chúc do người làm chứng viết, mẹ tôi ký tên ở dưới. Lúc đó mẹ tôi còn minh mẫn. Đến năm 2019, mẹ tôi qua đời, em trai tôi đã được hưởng toàn bộ nhà đất này và em trai tôi đã làm sổ đỏ đứng tên mình.
Lúc mẹ tôi lập di chúc tôi không được biết, nhưng khi công bố di chúc tôi thấy chữ ký trong di chúc không giống chữ của mẹ tôi. Tôi thực sự không muốn tranh giành tài sản với em trai tôi. Tuy nhiên, nếu tôi muốn làm rõ sự thật thì Luật sư cho tôi biết di chúc này có hợp pháp không? Nếu di chúc không hợp pháp thì tài sản của mẹ tôi được chia như thế nào? Tôi muốn giám định chữ ký của mẹ tôi có được không? tôi được biết muốn giám định chữ ký thì phải có chữ ký của mẹ tôi ở những giấy tờ khác nhưng tôi không có giấy tờ nào khác có chữ ký của mẹ tôi.
Trả lời:
Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự xin trả lời chị như sau:
1. Về câu hỏi “di chúc có hợp pháp hay không?” thì cần xác định xem nội dung và hình thức của di chúc do mẹ chị lập có phù hợp với quy định sau của BLDS 2015:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, di chúc của mẹ chị thỏa mãn điều kiện về người lập di chúc và nội dung di chúc. Về hình thức của di chúc, di chúc của mẹ chị là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Điều 634 BLDS2015 quy định: “Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của BLDS 2015”. Như vậy, nếu di chúc của mẹ chị đáp ứng được những điều kiện về hình thức này thì được coi là di chúc hợp pháp.
2. Trường hợp di chúc của mẹ chị không hợp pháp thì theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 650 BLDS 2015, di sản của mẹ chị được chia thừa kế theo pháp luật. Di sản sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ chị là: chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Các quy định về thừa kế theo pháp luật được quy định tại Chương XXIV BLDS 2015. Thủ tục chia di sản thừa kế có thể tiến hành tại Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. (Trường hợp có yếu tố nước ngoài thì thực hiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa).
3. Về giám định chữ ký: Chữ ký là một dạng đặc biệt của chữ viết; chữ ký có thể thay đổi theo thời gian nhưng nó vẫn mang tính ổn định nhất định và có đặc trưng của người tạo ra nó. Việc giám định chữ ký nhằm xác định chữ ký trên di chúc có đúng là chữ ký của mẹ chị hay là chữ ký giả mạo. Để giám định chữ ký, có thể gửi đơn đến cơ quan giám định tư pháp để yêu cầu. Trong trường hợp này, nếu mẹ chị không còn giấy tờ viết tay nào thì việc giám định chữ ký sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc có thể không thực hiện được.
Luật sư Nha Trang
Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự